Mùa đông là mùa trẻ em dễ bị các bệnh như cảm lạnh, viêm phổi… đặc biệt là trẻ sơ sinh do sức đề kháng của bé chưa hoàn thiện. Để cơ thể các bé được bảo vệ và chống lại những căn bệnh của mùa đông, các bậc cha mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản giúp phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe cho bé vào mùa đông. Hãy cùng Younik tìm hiểu xem những bí quyết này nhé !!
1. Giữ ấm cho cơ thể
Giữ ấm cơ thể là điều quan trọng nhất cho trẻ trong mùa đông lạnh giá (Nguồn: kiddi.vn)
Mùa đông thời tiết giá lạnh, bởi vậy để bảo vệ sức khỏe cho bé, điều quan trọng nhất là phải giữ ấm tốt, nhất là hai bàn chân, ngực, cổ và đầu, tránh ra gió. Về đêm nhiệt độ xuống thấp, việc giữ cho trẻ lại càng trở nên quan trọng hơn.
Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm vì vậy dễ bị cảm lạnh, ho và sốt. Vào mùa này, cần mặc nhiều áo để giữ ấm cơ thể cho bé. Bé thường hay ngọ nguậy để cố gắng mở nút gài hay khóa áo. Do vậy bạn phải cài áo cho bé cẩn thận để áo không bị bung ra.
Đặc biệt trong mùa đông các bạn không nên quấn tã giấy cho bé. Hoặc nếu có quấn tã thì nên chú ý thay tã cho bé thường xuyên để tránh cho cơ thể bé nhiễm lạnh vì tã ướt quá lâu.
Trong phòng của bé cũng cần duy trì nhiệt độ 25-28 độ C, cần ấm áp, thoáng nhưng tránh có gió lùa. Có thể sử dụng điều hòa, lò sưởi, quạt sưởi, nhưng tuyệt đối không dùng bếp than vì khí CO2 có thể gây độc, ngạt cho bé.
2. Ăn uống đủ chất
Chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp tăng sức đề kháng cho trẻ (Nguồn: vidan.com.vn)
Một chế độ dinh dưỡng cân bằng là điều kiện tiên quyết giúp trẻ duy trì sự khỏe mạnh trong suốt mùa đông khắc nghiệt. Vào thời điểm này trong năm, hệ miễn dịch của trẻ thường bị suy yếu do điều kiện thời tiết, vì vậy cha mẹ nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch như súp lơ xanh, ớt chuông đỏ, tỏi, gừng, rau chân vịt, hải sản giáp xác, sữa chua và các loại trái cây thuộc chi cam chanh (bưởi, cam, quýt, chanh, cam canh).
3. Chăm sóc giấc ngủ
Trẻ nhỏ khi ngủ thường hay đạp tung chăn, hở chân, hở bụng… Điều này sẽ khiến cho bé bị lạnh bụng dẫn đến ho, viêm phổi, đau bụng hoặc rối loạn tiêu hóa… Tuy nhiên không ông bố, bà mẹ nào có thể thức cả đêm để kéo áo, che bụng cho con… Vì vậy, trước khi trẻ đi ngủ nên cho trẻ mặc loại áo liền quần hoặc cho trẻ đắp chăn túi và đi tất cho trẻ đề phòng trẻ bị nhiễm lạnh.
4. Tránh để trẻ bị mất nước
Nước là yếu tố không thể thiếu trong quá trình bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ (Nguồn: doctors24h.vn)
Mất nước là một trong những nguyên nhân gây cảm lạnh, cảm cúm ở trẻ. Vì vậy, việc liên tục cấp nước cho trẻ là lưu ý quan trọng không kém để trẻ luôn khỏe mạnh ngay cả trong thời tiết rét kỷ lục.
Hãy tạo cho trẻ thói quen luôn mang theo bình nước bên người và khuyến khích trẻ luôn uống nước sau mỗi bữa ăn cũng như sau khi tham gia các hoạt động thể chất, tránh tình trạng mất nước có thể xảy ra. Thay đổi khẩu vị cho trẻ bằng cách thêm vào nước của trẻ vị rau, vị trái cây. Cho trẻ ăn nhiều hoa quả và rau củ có hàm lượng nước cao, như cần tây, dưa hấu, dưa chuột, v.v… trong cả bữa ăn chính và bữa phụ. Cho trẻ uống nước ấm, thay vì nước lạnh.
Một số sai lầm khi chăm sóc trẻ vào mùa đông
Không cho trẻ ra ngoài đường
Do tâm lý e ngại trẻ ra đường bị lạnh nên khi trời trở lạnh, phần lớn cha mẹ để con ở trong phòng kín. Tuy nhiên ở trong phòng lâu ngày sẽ khiến trẻ ốm yếu và dễ mắc bệnh hơn.
Đối với trẻ dưới 5 tuổi, việc cho trẻ ra ngoài tắm nắng rất có lợi cho quá trình phát triển của trẻ. Thời điểm lý tưởng để mẹ cho trẻ ra ngoài đón nhận ánh nắng mặt trời là vào khoảng 6h-9h sáng và thêm khoảng 10-15 phút buổi chiều từ 15h-17h. Đặc biệt, các trò chơi vận động giúp trẻ khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, phòng tránh được nhiều bệnh dễ lây nhiễm.
Ủ ấm cho trẻ quá mức
Để ủ ấm cho trẻ trong mùa đông, cha mẹ luôn nhồi nhét cho trẻ với đủ loại quần áo dày mỏng khác nhau. Tuy nhiên đây là một điều hoàn toàn sai lầm, việc ủ ấm quá mức có thể sẽ gây thêm bệnh cho trẻ.
Các mẹ nên biết, thân nhiệt của trẻ không giống như người lớn. Trẻ sẽ cảm thấy nóng hoặc lạnh nhanh hơn. Trẻ thường hay chạy nhảy, chơi đùa. Điều này khiến nên dễ nóng người. Trẻ có thể toát mồ hôi ngay cả khi thời tiết đang rất lạnh. Vì thế, mặc quá ấm, trẻ dễ bị ra mồ hôi lưng, đầu. Nếu bố mẹ không sớm nhận thấy điều đó, thì trẻ sẽ bị cảm lạnh, viêm phổi.
Tắm, vệ sinh cho trẻ bằng nước quá nóng
Vì trời lạnh nên bố mẹ rất ngại cho trẻ tắm, hoặc nếu tắm cũng dùng nước rất nóng vì sợ trẻ bị lạnh. Tuy nhiên, đối với người lớn, khi cảm thấy nước đủ ấm tức là nước đó bị nóng với trẻ. Nhiệt độ nước thích hợp cho trẻ tắm mùa đông là từ 330C – 360C. Nên dùng cổ tay hoặc khuỷu tay để thử độ ấm của nước. Nếu không, hãy chuẩn bị một nhiệt kế để có thể pha nước tắm thích hợp cho trẻ.
Trên đây là những kinh nghiệm được đúc kết và có sự tư vấn từ bác sĩ. Hy vọng bài viết sẽ giúp các ông bố bà mẹ một phần nào đó trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ nhỏ khi mùa đông đang đến gần.