Riot Games: Từ Nhà Làm Game Đến Ngôi sao đang lên trong ngành Giải Trí Toàn Cầu
Nếu nhắc đến Riot Games, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những tựa game đình đám như League of Legends hay Valorant. Nhưng bạn có biết, Riot không chỉ làm game? Từ một công ty nhỏ tại Los Angeles, Riot đang dần chuyển mình thành một “đế chế” giải trí đa phương tiện. Và đây chính là câu chuyện về cách Riot Games thương mại hóa bản quyền để chinh phục thế giới.
Riot Games Là Ai?
Được thành lập vào năm 2006 bởi Brandon Beck và Marc Merrill, Riot Games nhanh chóng gây tiếng vang với League of Legends – tựa game MOBA miễn phí đình đám nhất thế giới. Với hơn 140 triệu người chơi hàng tháng và hệ sinh thái esports mạnh mẽ, Riot không chỉ dừng lại ở một tựa game mà biến nó thành nền tảng để phát triển hàng loạt sản phẩm. Năm 2011, Tencent – tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc – mua lại Riot, mở ra cơ hội để công ty mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu. Nhưng Riot không muốn chỉ được biết đến là một nhà phát triển game.
“Rito Entertainment” – Tham Vọng Vươn Xa Khỏi Game
Người chơi của Riot Games thường đùa với nhau rằng “Lỗi game thì không fix, Riot chỉ lo làm phim và nhạc”? Điều đó không hẳn sai. Với tham vọng “trở thành Disney tiếp theo”, Riot bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực giải trí và thương mại hóa các bản quyền nhân vật của họ.
- Âm nhạc và nhóm nhạc ảo: Từ năm 2014, Riot thử sức với Pentakill – ban nhạc heavy metal ảo, nhưng bước ngoặt thực sự là màn debut của K/DA vào năm 2018. Bài hát “POP/STARS” nhanh chóng trở thành hiện tượng với hàng trăm triệu lượt xem trên YouTube. Riot tiếp tục giới thiệu một nhóm nhạc ảo mang tên True Damage và mới đây là Riot Games Music – nền tảng chuyên biệt cho âm nhạc của Riot.
- Phim hoạt hình: Thành công vang dội của Arcane trên Netflix là minh chứng cho khả năng kể chuyện tuyệt vời của Riot. Không chỉ nhận điểm 100% trên Rotten Tomatoes, Arcane còn làm mưa làm gió trên toàn cầu, đưa các nhân vật như Jinx hay Vi đến gần hơn với khán giả không chơi game.
- Truyện tranh: Hợp tác với Marvel, Riot đã xuất bản những bộ truyện tranh như Ashe: Warmother và Lux, giúp người hâm mộ hiểu rõ hơn về câu chuyện và thế giới trong League of Legends.
Những Thành Công Đáng Nể
Dù mở rộng sang nhiều lĩnh vực, Riot vẫn giữ vững vị thế ở tất cả các mảng mà họ tham gia:
- Liên Minh Huyền Thoại – Con cưng của Riot: Năm 2020, League of Legends mang về 1,75 tỷ USD từ các giao dịch trong game, biến Riot thành một trong những công ty game có doanh thu cao nhất. Chính thế giới Liên Minh Huyền Thoại là nền tảng mà Riot cố gắng xây dựng cho vũ trụ điện ảnh, âm nhạc của mình.
- Thành công của Arcane: Khi nhận ra tiềm năng trong việc xây dựng một vũ trụ điện ảnh riêng cho các nhân vật của mình, Riot đã không ngần ngại chi trả tổng cộng 250 triệu đô cho 2 phần phim cùng tên. Và sự đầu tư đó rất thành công. Không chỉ chinh phục khán giả, Arcane còn giúp Riot khẳng định vị thế là một công ty giải trí thực thụ. Đây là một trong những series Netflix được đánh giá cao nhất mọi thời đại. Cả 2 phần phim đều đạt 100% điểm trên nền tảng đánh giá phim hàng đầu thế giới Rotten Tomatoes, đạt 9.3/10 điểm trên IMDb – một chuyên trang trực tuyến thông tin về phim điện ảnh trên toàn thế giới. Ngoài những con số biết nói như trên, chúng ta có thể bắt gặp hiện tại có rất nhiều bài viết về Arcane đạt ngàn lượt tương tác trên mạng xã hội. Chứng tỏ Arcane là một hướng đi đúng đắn của Riot vì nó đã giúp họ thu hút được những người xem, người chơi mới và làm hài lòng những người chơi lâu năm của mình.
Tại sao RIOT lại dần chuyển sang thương mại hóa bản quyền nhân vật?
Theo Licensing International, doanh thu toàn cầu từ các sản phẩm và dịch vụ ủy quyền sử dụng thương hiệu đã đạt 356,5 tỷ USD trong năm 2023, tăng 4,6% so với năm 2022. Phân khúc Giải trí/ Nhân vật (Entertainment/Characters) chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 147,6 tỷ USD, trong đó Anime, Video Games, và Social Media chiếm 38% doanh thu. Riot Games nhận thức được điều này và đang thực hiện chiến lược thương mại hóa tài sản trí tuệ (IP) của mình để tiến xa hơn trong ngành công nghiệp giải trí, không chỉ dừng lại ở lĩnh vực game. Những lý do sau đây giải thích rõ ràng tại sao công ty đặt cược vào hướng đi đầy tiềm năng này:
- Khát vọng trở thành “Disney tiếp theo” Từ năm 2020, Riot Games đã nhìn thấy cơ hội đưa các IP của mình vượt ra khỏi khuôn khổ của trò chơi điện tử. Lấy cảm hứng từ Disney – công ty đã xây dựng đế chế giải trí toàn cầu thông qua phim ảnh, hàng hóa và công viên chủ đề, Riot mong muốn làm điều tương tự với các thương hiệu như League of Legends và Valorant. Theo nhiều cựu nhân viên, các lãnh đạo của Riot đã nhiều lần nhấn mạnh tầm nhìn trở thành một “Disney mới” trong các buổi định hướng và hội nghị toàn cầu. Tham vọng này còn được thể hiện rõ qua việc công ty tuyển dụng nhân sự từ các “ông lớn” như Disney, Netflix, và HBO Max để phát triển các dự án giải trí.
- Đa dạng hóa nguồn thu Riot nhận thấy rằng việc chỉ tập trung vào doanh thu từ trò chơi điện tử, bao gồm các giao dịch trong game như microtransactions, sẽ không đủ để phát triển bền vững trong tương lai. Thay vào đó, họ đã đầu tư vào các lĩnh vực khác như âm nhạc, phim hoạt hình và các sản phẩm hàng hóa. Ví dụ, Arcane – series hoạt hình hợp tác với Netflix, không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc mà còn là công cụ giúp Riot mở rộng nguồn doanh thu từ bản quyền truyền hình và các sản phẩm ăn theo. Các nhóm nhạc ảo như K/DA cũng giúp Riot tiếp cận thị trường âm nhạc, mở ra một nguồn lợi nhuận tiềm năng.
- Kéo dài chu kỳ sống và giá trị thương hiệu của IP Việc mở rộng IP từ game sang các lĩnh vực giải trí khác không chỉ giúp duy trì sự quan tâm của người chơi hiện tại mà còn thu hút những đối tượng hoàn toàn mới. Thương hiệu League of Legends, vốn nổi tiếng trong cộng đồng game thủ, nay còn trở thành biểu tượng văn hóa thông qua các sản phẩm như truyện tranh, board games, và phim hoạt hình. Bằng cách này, Riot không chỉ giữ cho các IP của mình sống động mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng vượt xa khỏi giới hạn của ngành công nghiệp game.
Tương Lai của thương mại hóa bản quyền nhân vật RIOT GAMES
Thị trường thương mại hóa bản quyền đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, trở thành nền tảng vững chắc để các công ty như Riot Games đầu tư và mở rộng. Những hoạt động chính trong tương lai của Riot có thể bao gồm:
- Series hoạt hình mới: Thành công của Arcane sẽ thúc đẩy Riot phát triển thêm nhiều series hoạt hình mới. Hiện tại Arcane chỉ tập trung vào 2-3 chủng tộc trong thế giới LMHT, trong tương lai, Riot có thể tập trung phát triển thêm về các chủng tộc, đất nước khác trong vũ trụ cùng tên. Với góc nhìn này, Riot thực sự có khả năng phát triển một thế giới điện ảnh như Marvel, DC Comic với chiều sâu nhân vật không thua kém những Captain America hay Ironman.
- Âm nhạc và nhóm nhạc ảo: Các nhóm nhạc ảo như K/DA và Pentakill được kỳ vọng sẽ mở rộng với những bài hát mới, buổi biểu diễn ảo sáng tạo, và có thể là các concert trực tuyến, kết nối sâu sắc giữa âm nhạc và cộng đồng game thủ.
- Boardgame và merch: Riot có thể sẽ phát triển thêm nhiều boardgame sáng tạo cùng với các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao như mô hình sưu tầm, quần áo và phụ kiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng người hâm mộ trên toàn cầu. Một khi có được một cộng đồng fan đủ mạnh, trong tương lai, người tiêu dùng có thể sẽ nhìn thấy những con gấu bông hình Teemo, Annie trong các trung tâm thương mại một cách dễ dàng.
Lời Kết
Từ một công ty nhỏ với tham vọng lớn, Riot Games đã chứng minh rằng họ không chỉ giỏi làm game mà còn là bậc thầy trong việc thương mại hóa bản quyền. Âm nhạc, phim ảnh, truyện tranh hay esports – mọi lĩnh vực Riot tham gia đều mang đậm dấu ấn của sự sáng tạo và chiến lược dài hạn.
Vậy nên, lần tới nếu bạn thấy Riot ra mắt một sản phẩm giải trí ngoài game, đừng ngạc nhiên. Vì có lẽ, họ đang xây dựng không chỉ một thương hiệu game, mà còn muốn trở thành một đế chế giải trí toàn cầu trong tương lai.